Thủy đậu là bệnh ngoài da do virus thủy đậu gây ra, bệnh rất dễ lây lan thành dịch và đôi khi dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc bệnh nếu chủ quan và không điều trị – chăm sóc đúng cách. Hiểu những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị – chăm sóc và phòng ngừa thủy đậu sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, cũng như biến chứng do bệnh gây ra.
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu còn gọi là bệnh trái dạ là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes zoster gây nên, lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi nhưng đôi khi người lớn cũng có thể mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây thủy đậu là virus Varicella-zoster hay virus Herpes zoster, thuộc họ Herpeviridae. Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày), và cho đến khi ban đóng vảy. Ở môi trường ngoài, virus có thể sống được vài ngày trong các giọt chất tiết của người bệnh thủy đậu khi phát tán ra không khí và bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường.
Đặc biệt, sau khi điều trị khỏi bệnh thủy đậu, mặc dù cơ thể người bệnh đã sinh ra các miễn dịch với bệnh nhưng virus varicella zoster thì sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh hạch và tồn tại ở đó trong trạng thái giống như “ngủ đông”. Khi virus tái hoạt trở lại sẽ gây ra bệnh zona thần kinh (thường gọi là bệnh giời leo trong dân gian).
Do vậy, người từng mắc thủy đậu có khả năng sẽ mắc bệnh zona thần kinh trong tương lai sau nhiều năm do virus thủy đậu tái hoạt, nhất là ở những người hay bị stress, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài; miễn dịch suy yếu do tuổi tác, mắc bệnh, người bị ung thư và dùng thuốc xạ trị trong thời gian dài,…
Những ai dễ mắc bệnh thủy đậu?
Tất cả trẻ em, người lớn – những ai chưa có miễn dịch hoặc chưa từng tiêm phòng vắc xin thủy đậu thì đều có nguy cơ mắc bệnh. Người lớn mắc bệnh thủy đậu thường nặng hơn trẻ em. Ở những vùng khí hậu ôn hòa, ít nhất 90% trẻ dưới 15 tuổi bị mắc thủy đậu và ít nhất 95% người lớn bị mắc bệnh. Bệnh thường gặp vào mùa đông và đầu xuân. Ở những nước nhiệt đới, người lớn hay bị mắc bệnh nhiều hơn.
Người bệnh thường chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời và hình thành miễn dịch bền vững. Tuy nhiên, sau khi bị thủy đậu, virus ngủ đông trong dây thần kinh (hạch thần sọ não, hạch rễ thần kinh sống lưng, hạch thần kinh tự chủ) và có thể tái hoạt trong tương lai gây bệnh zona thần kinh.
Bệnh thủy đậu có lây không?
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần với người bệnh.
Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?
Người bệnh là ổ chứa và cũng chính là nguồn lây truyền virus sang người lành. Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu:
– Hít phải những giọt nước nhỏ bắn ra từ bệnh nhân thủy đậu khi họ ho, hắt hơi, chảy nước mũi
– Tiếp xúc với dịch từ nốt phỏng nước của người bệnh khi vỡ ra t ở những vùng da bị tổn thương, lở loét của người bệnh.
– Lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch từ nốt phỏng hoặc chất tiết của người bệnh.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không may bị thủy đậu cũng rất dễ lây bệnh cho thai nhi thông qua nhau thai.

Thời gian ủ bệnh
Từ 2 – 3 tuần, thông thường từ 14 – 16 ngày.
Thời kỳ lây truyền
Thời gian lây truyền dài nhất là 5 ngày, thường là từ 1 – 2 ngày trước khi phát ban và không quá 5 ngày sau khi xuất hiện bọng nước đầu tiên. Thời gian lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch. Ước tính tỷ lệ lây truyền virus cho người thân trong gia đình có người bị bệnh thủy đậu lên tới 70 – 90%. Người phơi nhiễm virus có thể mắc bệnh sau khi phơi nhiễm 10 – 21 ngày.
Triệu chứng bệnh thủy đậu
Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng tương tự như người lớn qua từng giai đoạn của bệnh.
Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em
Giai đoạn ủ bệnh
Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 – 3 tuần. Ở giai đoạn này, gần như không có biểu hiện gì, trẻ vẫn ăn ngủ, chơi đùa bình thường.
Giai đoạn khởi phát
Có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, trẻ mệt mỏi, viêm họng, nổi hạch sau tai. Bắt đầu xuất hiện các nốt phỏng nước trên da khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc.
Giai đoạn toàn phát
Các nốt ban đỏ (nốt rạ) xuất hiện nhiều hơn và nhanh chóng lan rộng ra toàn cơ thể trong vòng 12 – 24h. Bắt đầu từ mặt, lan dần xuống phần bụng, hai tay, hai chân… và rải rác khắp người. Kích thước nốt mụn nước từ 1 – 3mm, ban đầu nhỏ, có dịch trong (mới mọc) sau vài hôm chuyển sang màu đục như mủ.
Sau khoảng 4 – 5 các nốt mụn nước dần khô đi và đóng vảy, bước vào giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn hồi phục
Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ dần lui sau thời gian khoảng 1 – 2 tuần. Khi đó, các nốt mụn nước sẽ dần đóng vảy, tự rơi rụng khi chúng đủ khô và để lại trên da các đốm nhỏ mờ hoặc sẹo lõm nếu bị nhiễm trùng.

Triệu chứng bệnh thủy đậu ở người lớn
Về cơ bản các triệu chứng bệnh thủy đậu ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ em nhưng biến chứng thường nặng nề hơn.
Các triệu chứng bệnh dễ nhận biết hơn trẻ em, vì thế, ngay khi phát hiện bệnh nên kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?
Thông thường bệnh thủy đậu khá lành tính nhưng nếu chủ quan bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
– Nhiễm trùng: là biến chứng thường gặp, nhất là ở vị trí các nốt mụn nước. Các nốt mụn nước này thường bị vỡ ra do tay người bệnh cào gãi kết hợp với việc không giữ vệ sinh sạch sẽ, làm cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn, lở loét. Sau khi lành thường để lại sẹo lõm ở vị trí có nốt phỏng, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.
– Viêm phổi do thủy đậu: Hay gặp ở người lớn, ít gặp ở trẻ em. Viêm phổi do thủy đậu xuất hiện vào giai đoạn người bệnh mới nổi mụn nước, thường vào ngày thứ 3 – 5 của bệnh với các triệu chứng sốt cao, ho ra máu, khó thở, đau ngực… rất nguy hiểm.
– Viêm não do thủy đậu: Biến chứng hiếm gặp, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Không ít trường hợp sau khi bị thủy đậu, trẻ trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Hậu quả của biến chứng này để lại những tổn thương lâu dài trên hệ thần kinh như bị điếc, động kinh, chậm phát triển (trẻ em)…
– Nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh: Sau khi điều trị khỏi bệnh thủy đậu, virus thủy đậu không triệt tiêu hoàn toàn mà “ngủ đông” trong các rễ thần kinh và nó có thể tái hoạt trở lại trong vòng nhiều năm sau đó, gây ra bệnh zona thần kinh.
– Biến chứng với phụ nữ mang thai: Với phụ nữ mang thai nếu không may mắc thủy đậu thì có nguy cơ lớn gây dị tật cho con. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, thì nguy cơ sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh…
Còn nếu bị thủy đậu từ 5 ngày đến 2 ngày hay sau sinh, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh, biến chứng bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị viêm phổi, thậm chí tử vong.
Cách điều trị bệnh thủy đậu
Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh mà nguyên tắc điều trị chung gồm:
– Điều trị triệu chứng: các thuốc bôi chống ngứa hoặc thuốc uống. Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nếu có dấu hiệu bội nhiễm.
– Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, thay quần áo hàng ngày để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Dùng thuốc kháng virus trong giai đoạn sớm để giảm thời gian tồn tại của virus và giảm các triệu chứng đau thần kinh sau khi nhiễm virus. Các thuốc thường được sử dụng như acyclovir, valacyclovir, penciclovir, famciclovir. Việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
– Globulin miễn dịch VZV ( Varicella zoster immune globulin – VariZIG) được chỉ định trên các đối tượng có nguy cơ cao trong vòng 10 ngày (lý tưởng nhất trong vòng 4 ngày) sau khi phơi nhiễm virus thủy đậu. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
- Trẻ em và người lớn suy giảm miễn dịch;
- Trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị thủy đậu trong thời gian ngắn trước hoặc sau sinh;
- Trẻ sơ sinh
- Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi
- Người lớn không có miễn dịch (chưa từng mức bệnh, chưa tiêm vắc xin)
- Phụ nữ mang thai.
Cách chăm sóc người thủy đậu
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do đó việc chăm sóc người bệnh thủy đậu cần đặc biệt chú trọng để tránh lây nhiễm và hạn chế biến chứng. Các biện pháp cần thực hiện gồm:
Cách ly
Là việc đầu tiên cần làm khi phát hiện trẻ bị thủy đậu. Cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà, không đến trường, nhà trẻ hoặc nơi tập trung đông người như siêu thị, khu vui chơi, công viên… cho tới khi khỏi hẳn.
Cho trẻ bệnh/ người bệnh nằm ở phòng thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7-10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt mụn nước khô vảy hoàn toàn.
Dùng riêng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, muỗng, khăn, gối, ga trải giường, dụng cụ học tập, đồ chơi… để tránh lây nhiễm virus thủy đậu.
Khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh thủy đậu phải đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm.
Dinh dưỡng
Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, canh. Uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả
Bổ sung vitamin C trong chế độ ăn như rau xanh, hoa quả nhằm giúp tăng đề kháng, nhanh lành vết thương.
Hạn chế các thức ăn tanh như cua, tôm, cá… vì tính dị nguyên cao có thể gây ngứa nhiều hơn. Đồ ăn cay nóng cũng cần hạn chế nhằm tránh bị kích thích, tiết mồ hôi gây bội nhiễm.
Vệ sinh
Mặc quần áo mỏng, nhẹ, thoáng mát, rộng rãi, dễ thấm hút mồ hôi để tránh bị cọ xát vào các nốt mụn nước gây vỡ, lở loét.
Vệ sinh thân thể thường xuyên, nhẹ nhàng tránh làm vỡ các nốt mụn nước để tránh bị nhiễm trùng và để lại sẹo lõm. Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
Với trẻ nhỏ cần cắt móng tay sạch sẽ, đeo bao tay vải để hạn chế trẻ gãi làm vỡ các mụn nước.
Sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh hoặc trẻ bệnh cần rửa tay kỹ bằng xà phòng.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, toilet, các vật dụng dùng hàng ngày bằng chất sát khuẩn, chất tẩy rửa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus.
Dùng thuốc
Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm khuẩn: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.
Dùng dung dịch xanh milian (xanh methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ để tránh bội nhiễm.

Bệnh thủy đậu có kiêng nước, kiêng gió?
Nhiều người cho rằng mắc bệnh thủy đậu cần kiêng nước, kiêng gió dẫn đến không ít trường hợp bố mẹ hạn chế việc vệ sinh, tắm rửa cho trẻ. Đây là quan niệm không chính xác, vì vệ sinh không thường xuyên không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu mà còn gia tăng nguy cơ bội nhiễm.
Khi mắc thủy đậu phải cách ly và hạn chế tiếp xúc chỗ đông người nhưng cần cho trẻ ngủ, sinh hoạt ở phòng thoáng khí, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời. Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ hàng ngày để giảm bớt ngứa ngáy, khó chịu; ngăn ngừa bội nhiễm.
Chú ý không làm vỡ các nốt mụn nước khi chăm sóc trẻ. Các nốt mụn đã vỡ cần bôi xanh methylen chống nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh thủy đậu
Chủ động phòng bệnh là cách đơn giản, ít tốn kém chi phí và hiệu quả tốt nhất để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh. Thủy đậu tuy là bệnh dễ lây truyền nhưng nếu tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây thì hoàn toàn có thể đẩy lùi bệnh.
Tiêm phòng
Cần tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Đây là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm theo đúng liều lượng quy định.
– Trẻ em từ 1 – 12 tuổi: Tiêm 2 mũi
+ Mũi 1: Tiêm 1 liều vắc xin lần đầu
+ Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 3 tháng
Đặc biệt với trẻ trong độ tuổi từ 4 – 6 (tiền tiểu học) độ tuổi cần được bảo vệ tốt nhất, khuyến cáo tiêm mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
– Trẻ từ 13 tuổi và người lớn: Tiêm 2 mũi
+ Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên
+ Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Lưu ý:
- Vắc xin thủy đậu khi đưa vào cơ thể cần thời gian từ 1 – 2 tuần mới phát huy tác dụng. Vì vậy các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu ít nhất 1 tháng trước mùa dịch.
- Vắc xin thủy đậu là vắc xin dịch vụ, chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại Việt Nam, hiện nay có 2 loại vắc xin thủy đậu được dùng là Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc), giá của mỗi loại vắc xin có sự chênh lệch nhất định.
- Phụ huynh có thể đưa trẻ đến tiêm phòng tại các cơ sở y tế có cấp vắc xin thủy đậu tại các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố, các bệnh viện hoặc Trung tâm tiêm chủng uy tín.
Phòng bệnh tại cộng đồng
– Người chưa nhiễm bệnh cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Không dùng chung đồ cá nhân, nằm hoặc ăn chung với người bệnh.
– Những người chăm sóc người bệnh thủy đậu nên đeo khẩu trang, mặc quần áo dài tay khi tiếp xúc gần. Chú ý không sờ, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hoặc dịch từ các nốt mụn nước của người bệnh. Rửa tay, tắm rửa bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh.
– Vệ sinh phòng ở, khu sinh hoạt, ký túc xá, phòng học thường xuyên để phòng ngừa lây nhiễm virus nhất là ở vùng đang có dịch.
– Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm vắc xin cần chủ động tiêm phòng vắc xin phòng thủy đậu.
– Vận động thường xuyên, dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng. Bệnh thủy đậu thường xảy ra vào mùa đông xuân, vì thế cần hết sức chú ý trong thời điểm dễ có dịch.
– Nếu có các dấu hiệu bất thường nên đi khám ngay để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. Nếu không may mắc bệnh cần chủ động cách ly, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Các bệnh lý truyền nhiễm do virus gây ra như bệnh thủy đậu vẫn còn là thách thức lớn cho cộng đồng và cả ngành y tế. Nhưng nếu có những hiểu biết đúng đắn về bệnh để chủ động phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì chúng ta có thể đẩy lùi được căn bệnh này.