Bệnh quai bị là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, mỗi năm có đến hàng nghìn ca mắc bệnh, đặc biệt ở trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng nhưng nhiều người còn chủ quan, chưa ý thức rõ được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Bệnh quai bị là gì?
Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus Paramyxovirus gây ra, đặc trưng bởi tình trạng viêm, sưng tuyến nước bọt. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt từ 6 – 10 tuổi và có thể gây nên nhiều biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm bàng quang, viêm tụy…
Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Virus Paramyxovirus là nguyên nhân gây bệnh quai bị. Virus này chứa một chuỗi RNA duy nhất được bao ngoài bởi một lớp vỏ kép có ký hiệu nhận diện đặc trưng của virus đó.
Bệnh quai bị có lây không?
Bệnh quai bị lây từ người sang người khi hít phải các giọt nước bọt hoặc giọt tiết hầu họng của người bệnh trong lúc:
- Ho, hắt hơi, nói chuyện ở cự ly gần
- Dùng chung đồ với người bệnh như dao, dĩa, cốc nước, bát, thìa, đũa…
- Chia sẻ thức ăn, nước uống với người bệnh
- Tiếp xúc gần gũi như khiêu vũ, hôn nhau, chơi thể thao
- Chạm vào đồ vật có dính nước bọt, nước mắt, nước mũi của người bệnh, vô tình đưa virus vào cơ thể, chẳng hạn như uống chung ly nước, dùng chung bát đĩa…
Mức độ lây nhiễm của virus quai bị tương đương như virus cúm hoặc Rubella (sởi Đức) và ít lây nhiễm hơn bệnh sởi và thủy đậu.
Bệnh đã bắt đầu lây cho người tiếp xúc một tuần trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sưng tuyến mang tai và có thể tiếp tục lây nhiễm 2 tuần sau đó. Bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng thời gian từ 2 ngày trước khi có triệu chứng đầu tiên đến 5 ngày sau khi sưng đau tuyến mang tai.

Triệu chứng bệnh quai bị
Các triệu chứng bệnh quai bị thường gặp trong khoảng 2 tuần sau khi nhiễm virus. Triệu chứng của bệnh quai bị trải qua 3 giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 14 – 25 ngày và chưa có biểu hiện gì rõ rệt
Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện các dấu hiệu đột ngột gồm:
- Sốt nhẹ, đau cơ, đau đầu
- Ăn uống kém, chán ăn
- Đau họng, đau góc hàm
- Tuyến mang tai to dần và đau nhức, đau tăng khi thăm khám hoặc khi nhai
Giai đoạn toàn phát: Các dấu hiệu xuất hiện rõ ràng, mức độ tăng lên rõ rệt
- Tuyến mang tai sưng to, đau nhức nhiều, có thể sưng một bên hoặc cả hai bên. Người bệnh có “gương mặt hamster” điển hình do tuyến nước bọt ở 2 bên mang tai sưng lên.
- Các triệu chứng khác như: sốt cao đến 39 – 40 độ C, đau đầu, chán ăn, đau họng, khó nuốt, khó nói
Giai đoạn hồi phục: Sau thời gian khoảng 1 tuần, tuyến nước bọt 2 bên mang tai giảm viêm và nhỏ dần, các dấu hiệu như đau họng, khó nuốt… giảm dần và hết hẳn.
Tuy nhiên có khoảng 25% trường hợp người bệnh nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng gì rõ rệt, đây chính là những đối tượng có khả năng truyền bệnh cho mọi người xung quanh mà không nhận biết được. Sau khi mắc bệnh, cơ thể sẽ sản sinh miễn dịch bền vững nên người bệnh sẽ không bị nhiễm bệnh lần 2.

Biến chứng bệnh quai bị
Bệnh quai bị ở người lớn ít gặp nhưng thường gây ra các biến chứng nặng nề hơn ở trẻ em.
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng xảy ra ở 20 – 35% người sau độ tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xuất hiện trước, đồng thời hoặc sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7 – 10 ngày. Biểu hiện thường gặp là tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây. Tình trạng viêm và sốt kéo dài từ 3 – 7 ngày, sau đó khoảng 50% trường hợp tinh hoàn bị teo dần, dẫn tới giảm số lượng tinh trùng, thậm chí vô sinh.
Viêm buồng trứng: tỷ lệ mắc ở nữ giới sau độ tuổi dậy thì khoảng 7%, hiếm khi gây vô sinh
Biến chứng thần kinh: Virus quai bị có thể gây biến chứng viêm não tỷ lệ khoảng 5% trường hợp, người bệnh thường có biểu hiện như thay đổi tính tình, bứt rứt, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, thị giác… Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
Viêm tụy: Biến chứng nặng của bệnh quai bị với tỷ lệ mắc từ 3 – 7%. Người bệnh có biểu hiện như đau bụng nhiều, buồn nôn, tụt huyết áp
Biến chứng khác: viêm cơ tim, nguy cơ bị điếc (thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ 1/200.000 ca)…
Bệnh quai bị ở phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mắc quai bị có thể gây sẩy thai hoặc dị tật, mắc bệnh trong 3 tháng cuối đe dọa sinh non hoặc thai chết lưu.

Điều trị bệnh quai bị
Đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh quai bị, nguyên tắc điều trị chung là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, theo dõi để phát hiện sớm và điều trị biến chứng (nếu có).
- Thực hiện cách ly, tránh tiếp xúc với người xung quanh trong ít nhất 14 ngày. Trẻ nhỏ cần nghỉ học; người lớn nên nghỉ làm để điều trị, theo dõi tại nhà hoặc bệnh viện.
- Ăn thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Không ăn đồ cứng, đồ cay nóng, đồ ăn chiên rán, đồ nếp, đồ chua.
- Giảm đau tại chỗ bằng cách chườm ấm vùng sưng
- Dùng thuốc hạ sốt paracetamol
- Trường hợp viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày
- Nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động. Với trẻ em không nên để bé chạy nhảy nhiều.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày
- Mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể điều trị tại bệnh viện hoặc theo dõi, điều trị tại nhà.
Điều trị tại bệnh viện
Người bệnh cần được điều trị tích cực và theo dõi tại bệnh viện khi có các biểu hiện sau:
- Sốt cao
- Nôn nhiều
- Đau bụng nhiều
- Đau đầu
- Vùng bìu sưng đỏ, đau nhức
Điều trị tại nhà
Áp dụng cho những trường hợp nhẹ, không có các biểu hiện của biến chứng.
Bị quai bị bao lâu thì khỏi?
Cũng như bệnh lý khác do virus gây ra, bệnh quai bị có thể tự thuyên giảm và khỏi bệnh sau thời gian từ 10 ngày – 2 tuần nếu không có biến chứng.
Bệnh quai bị nên kiêng gì?
Bệnh quai bị không quá nghiêm trọng nếu điều trị và chăm sóc đúng cách. Về chế độ ăn uống, sinh hoạt người bệnh quai bị cần chú ý:
- Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, chạy nhảy, chơi thể theo
- Tránh tiếp xúc chỗ đông người
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như bát đũa, bàn chải, khăn mặt, cốc uống nước…
- Kiêng gió, tắm nước lạnh vì có thể khiến cho người bệnh bị sưng, đau hơn. Người bệnh vẫn có thể tắm nhưng nên tắm hoặc lau người bằng nước ấm, không ngâm mình quá lâu trong bồn tắm.
- Kiêng ăn đồ chua, đồ nếp, đồ ăn cay nóng… vì những thực phẩm này làm tăng tiết nước bọt, phần bị sưng viêm có thể bị sưng to hơn.
- Uống nhiều nước, ăn đa dạng các loại rau xanh và hoa quả tươi, giúp bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng khả năng miễn dịch.
- Không tự ý dùng thuốc, tốt nhất tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối không dùng các phương pháp điều trị mê tín hoặc điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng như đắp lá cây, vôi lên vùng bị sưng viêm tuyến mang tai, tuyến nước bọt.

Cách phòng ngừa bệnh quai bị
Để chủ động phòng chống bệnh quai bị, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, phòng học bằng dung dịch sát khuẩn.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên súc miệng, súc họng bằng nước súc miệng sát khuẩn, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm virus cho những người xung quanh.
- Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh quai bị là tiêm vaccin phòng bệnh. Hầu hết mọi người đều có khả năng miễn dịch với bệnh sau khi tiêm phòng đầy đủ. Vaccin được sử dụng hiện nay tại Việt Nam là dạng kết hợp cả sởi – quai bị – rubella (MMR II). Vắc xin quai bị là vắc xin dịch vụ, người tiêm phải tự trả chi phí.
- Khi phát hiện mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, khó nuốt, viêm tinh hoàn.

Lịch tiêm chủng vắc xin MMR II
Tiêm vắc xin quai bị rất quan trọng với trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch. Lịch tiêm chủng vắc xin MMR II phòng chống sởi – quai bị – rubella:
Trẻ từ 12 tháng tuổi – 7 tuổi
- Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ 4 – 6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra. Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Trẻ trên 7 tuổi và người lớn
- Mũi 1: Tiêm lần đầu
- Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
Phụ nữ có ý định mang thai
Cần hoàn thành tiêm chủng đủ vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Có thể thấy quai bị là bệnh rất dễ lây nhiễm tuy nhiên nếu có tích cực điều trị và phòng ngừa thì hoàn toàn có thể đẩy lùi được bệnh. Tìm hiểu kỹ thông tin về bệnh, chủ động tiêm chủng theo đúng phác đồ, thăm khám ngay khi có dấu hiệu sớm… là lựa chọn phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho bạn và người thân trong gia đình.